Thạc sĩ, thủ khoa xuất sắc chia sẻ chuyện thi trượt công chức
Các thủ khoa đều chia sẻ họ nhận được kinh nghiệm sau kỳ kiểm tra, sát hạch vừa qua của Hà Nội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược cho rằng, cách tuyển dụng làm…trượt mất người tài?
- Xem diem thi tot nghiep 2015 nhanh nhất
Trò chuyện với VietNamNet, một thủ khoa xuất sắc chia sẻ bản thân cô rất thất vọng với kết quả thi sát hạch vừa qua. Giải thích cho lý do có điểm số khá thấp của mình, người này cho biết: “Thời gian vừa qua tôi bận quá nhiều việc, vừa lo học cao học vừa đi làm thêm trang trải cuộc sống, thời gian ôn tập trước kỳ thi khá ít”.
Trong khi đó, một thủ khoa xuất sắc khác cho biết mình có thời gian chuẩn bị cho đợt kiểm tra. “Tôi cũng khá hài lòng về bài làm. Theo sàn điểm chung, chỉ cần qua 50 điểm là mình có thể trúng tuyển công chức thành phố.
Tuy nhiên, do vị trí việc làm chỉ có một mà cùng ứng tuyển vào vị trí này, ngoài tôi còn có một thủ khoa xuất sắc khác. “Đối thủ” là người có kinh nghiệm giảng dạy ở chính chuyên ngành này hơn 5 năm. Tôi thấp điểm hơn và bị loại là dễ hiểu”.
Trước câu hỏi có băn khoăn gì sau kỳ sát hạch, một thủ khoa xuất sắc cho biết: “Về kỷ luật phòng thi, tôi khẳng định là khá nghiêm túc. Tuy nhiên do không đặt mục tiêu phải đỗ nên tôi gần như không ôn luyện gì trước khi vào phòng thi và phỏng vấn”.
Là một ngành đặc thù, khó xin việc nên V.H (một thủ khoa xuất sắc) đặt mục tiêu đỗ công chức của thành phố Hà Nội. Phần kiến thức chung làm khá tốt nhưng phỏng vấn không đạt đã kéo điểm của ứng viên này xuống dưới 50. Khá thất vọng, người này cho biết sắp tới cô sẽ đi học cao học để tìm kiếm cơ hội khác.
Trái với V.H, hầu hết các thủ khoa xuất sắc khi được hỏi đều cho biết họ chỉ ứng tuyển vào công chức thành phố như mục tiêu thứ yếu. Tất cả hiện đều đã đi làm ở bên ngoài hoặc có người đã được địa phương nơi mình sinh sống sẵn sàng tuyển thẳng.
Sát hạch làm mất đi ý nghĩa việc “trải thảm đỏ”
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thủ khoa Hà Nội, anh Nguyễn Hùng Cường (Thủ khoa ĐH Luật Hà Nội năm 2007) cho hay, việc các thủ khoa bị loại sau kỳ kiểm tra, sát hạch có thể gây hiệu ứng phản cảm cho xã hội.
“Đã gọi là tuyển thẳng lại qua kiểm tra, sát hạch thì không khác gì một kỳ thi. Hơn thế việc tổ chức kiểm tra, sát hạch làm mất đi ý nghĩa của việc trải thảm đỏ thu hút nhân tài của Hà Nội”.
Anh Cường đề xuất: “Hà Nội đã tổ chức vinh danh thủ khoa thì nên tuyển thẳng họ vào cơ quan công sở. Sau một thời gian nhất định để họ thể hiện khả năng thì tổ chức đánh giá năng lực làm việc và đưa ra quyết định nhận hay không. Hoặc thành phố cho thủ khoa thi tuyển công chức cùng những người khác và cộng số điểm ưu tiên nhất định cho họ”.
Quay trở lại các trường hợp thủ khoa trong nước vẫn trượt công chức, anh Cường cho rằng, việc chấm điểm, đặc biệt qua phỏng vấn chỉ phản ánh một phần trình độ của thí sinh nên những người bị điểm thấp chưa chắc đã kém và ngược lại. Và cùng là thủ khoa nhưng có thể họ không đồng đều về trình độ bởi còn phụ thuộc vào môi trường đào tạo và nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân.
Cũng theo anh Cường, việc đánh giá tấm bằng giỏi, xuất sắc nước ngoài còn phụ thuộc bằng đó của trường nào, nước nào, nằm trong tốp bao nhiêu của các trường đại học trên thế giới. “Không phải thủ khoa nào cũng giỏi và không phải có bằng giỏi, xuất sắc nước ngoài là trình độ cao”, anh Cường nói.
Năm 2014, việc một thạc sĩ từ nước ngoài về nước giảng dạy phổ thông, dẫn dắt đội tuyển tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam tham gia các cuộc thi khoa học quốc tế, đạt được một số thành tích… lại bị trượt kỳ thi tuyển dụng vào biên chế chính thức cũng từng là một “sự kiện” được nhiều người quan tâm.
Bằng ‘xịn’ trượt công chức do cách tuyển dụng sai?
Ông Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Trường ĐH FPT, là người sau đó đã mời thạc sĩ này vào vị trí phó hiệu trưởng Trường THPT FPT.
Theo ông Minh, khi tuyển người, thực chất là về chuyên môn có thể bổ sung được. “Chúng tôi chỉ không chấp nhận khi ứng viên thiếu tinh thần học hỏi, thiếu khả năng phối hợp làm việc. Và chỉ khi cần tuyển cán bộ cao cấp hoặc trung cấp thì mới cần đến kinh nghiệm công tác. Những vị trí bình thường khác trường đều tuyển người mới tốt nghiệp, thậm chí có những vị trí chấp nhận cả sinh viên năm cuối, vừa đi học vừa đi làm”.
Nhận xét về hiện tượng người có trình độ cao, có bằng “xịn” trượt công chức, ông Minh cho rằng do cách tuyển sai. Thậm chí, vấn đề đến từ cả phía những người tham gia sát hạch, khi có thể có những người tham dự với thái độ không quá mặn mà, trượt thì thôi, đi tìm chỗ khác. “Chuyện này cũng không có gì để nói nhiều. Người giỏi mà không tự xin được việc thì không gọi là giỏi. Tôi cho rằng đừng bao giờ chờ đợi ai ban phát điều gì cho mình”.
Còn theo một chuyên gia về nghiên cứu và dự báo nhu cầu nhân lực, việc trúng – trượt còn do yêu cầu công việc. “Người được đào tạo chỉ theo một ngành học, nhưng có khi ra làm không giống thế. Kiến thức trang bị trong thời gian học chỉ là hành trang để làm việc sau này, chứ không đủ để làm việc”.
Cũng theo vị này, “đào tạo của chúng ta hiện nay khác với các nước trên thế giới. Thế giới bàn đến khả năng di chuyển việc làm trong đào tạo, ví dụ học bằng hai, bằng ba – cố gắng tìm ra con dường có kiến thức nền tảng, sau đó học thêm các tín chỉ, các học phần để có khả năng làm được vài công việc khác nhau, thuận tiện cho quá trình tìm việc sau này”.
Về những nhận định cho rằng phải có tiền hay quan hệ mới có thể trúng tuyển, chuyên gia này nhận định “chuyện đấy cũng có, nhưng không phải lúc nào cũng thế”.
“Đối với trường hợp của Hà Nội, có thể đề thi chưa đáp ứng. Về khía cạnh có tiêu cực hay không, nhìn nhận một cách logic, tôi cho rằng họ đã đưa công khai chỉ tiêu, danh tính, kết quả của ứng viên tức là đã nghĩ tới chuyện uy tín, danh dự”.
“Thực tế, chúng ta vẫn khát khao những người làm được việc. Các kỹ năng kiểm tra không thể bó hẹp trong kiến thức chuyên ngành. Có thể do nhu cầu công việc họ cần nhân lực có kiến thức, kỹ năng, thái độ trách nhiệm… Tôi thì hiểu rằng những người tuyển dụng mong muốn ứng viên có sẵn những năng lực đó, không cần đào tạo. Phản ứng của thí sinh trước các bài kiểm tra cũng là một thước đo”.
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cũng từng cho rằng chuyện người học thạc sĩ nước ngoài không thi đỗ viên chức là bình thường, mặc dù “Xét về mặt bằng cấp đây là điều đáng tiếc”.