Không nên đuổi học với học sinh

Thứ Tư, Tháng Năm 27th, 2015

Việc đình chỉ học tập đối với học sinh cho thấy sự bất lực của các nhà làm giáo dục.

Vừa qua, đọc thông tin một nữ sinh ở tỉnh Cà Mau uống nhiều loại tân dược tự tử vì bị đuổi học 1 năm, tôi thực sự băn khoăn. Đình chỉ học tập đối với học sinh cá biệt vi phạm kỷ luật nhà trường có phải là cách tốt nhất để răn đe, giáo dục? Cho dù giải pháp này là việc chẳng đặng đừng mà nhà trường buộc phải lựa chọn và không sai quy định nhưng tương lai các em sẽ về đâu? Ai có trách nhiệm với những hành vi sai phạm của các em sau này…?

Rối loạn tâm lý

Trở lại vụ nữ sinh ở Cà Mau, về căn bản, đây không phải học sinh có “tiền sử” cá biệt nguyên phát, vì từ lớp 6 cho đến hết học kỳ 1 của năm lớp 8, em đạt kết quả khá giỏi. Như vậy, chắc chắn đã có những tác động tiêu cực nào đó từ gia đình hoặc trong các mối quan hệ bạn bè, xã hội… đối với tâm lý của em.

Giai đoạn từ 14-16 tuổi, trẻ thường có biểu biện bất thường về tâm lý, bốc đồng, dễ tổn thương. Có thể nữ sinh này đã gặp một cú sốc tâm lý nào đó khiến em bị ức chế, muốn giải phóng thông qua những hành vi gây sốc để được sự chú ý của cha mẹ và những người xung quanh.

Khi vấn đề rối loạn tâm lý chưa được giải quyết, em lại tiếp nhận thêm một hình phạt khiến bản thân cảm thấy bị đẩy ra khỏi cộng đồng, bạn bè dẫn đến tuyệt vọng, có hành vi tiêu cực hơn. Sự phát triển kinh tế – xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp, đời sống tâm lý học sinh cũng đang có những biến động lớn về các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, việc học tập… với nhiều biểu hiện đáng lo ngại mà nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Nhà trường như một gia đình, nếu xem học trò như con, cho dù phạm lỗi nặng, cha mẹ cũng không thể từ bỏ. Hơn nữa, hầu hết học sinh phạm vào lỗi bị đuổi học đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Nếu đình chỉ học tập 1 năm, liệu các em có được gia đình dành thời gian quan tâm, giáo dục để năm sau vào trường hay lại bị bỏ mặc, đẩy ra ngoài xã hội đầy cạm bẫy?

Kỷ luật đi kèm cảm hóa

Giáo dục một con người trong quá trình xã hội hóa cá nhân phải thông qua 4 yếu tố: Giáo dục tại gia đình, giáo dục tại nhà trường, giáo dục tại xã hội và tự giáo dục. Trong đó, giáo dục tại gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và định hình nên nhân cách văn hóa cá nhân.

Việc đình chỉ học tập một thời gian đối với học sinh cho thấy sự bất lực của các nhà làm giáo dục. Trong vài năm gần đây, hoạt động tư vấn tâm lý học đường đã được ngành giáo dục quan tâm. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự thống nhất trong cả nước về mô hình tổ chức, quy định về chuyên môn, chế độ chính sách…

Một số trường có phòng tư vấn tâm lý học đường nhưng chỉ là hình thức, hoạt động không hiệu quả và chưa thực sự được học sinh tin cậy. Đã đến lúc xem xét buộc tất cả các trường phải có phòng tư vấn tâm lý học đường với các giáo viên tư vấn tâm lý chuyên trách.

Khi phát hiện học sinh có vấn đề, giáo viên tâm lý sẽ tiếp cận, lắng nghe, chia sẻ với các em những nguyên nhân khiến các em buồn chán, có thái độ phản kháng. Từ đó trao đổi với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, giám thị để cùng quan tâm, giải tỏa những ức chế tâm lý, giúp học sinh hòa nhập trở lại với việc học và cuộc sống.

Muốn giáo dục một cá nhân tốt, cần môi trường giáo dục tốt với những chuyên gia giáo dục lành nghề và có tâm với học trò. Kỷ luật chỉ là giải pháp mang tính răn đe cuối cùng đối với một học sinh cá biệt. Vì vậy, bên cạnh kỷ luật cần hình thức giáo dục và cảm hóa để học sinh vừa ý thức được sai phạm vừa có định hướng sửa chữa. Đó mới là phương pháp giáo dục đúng trong môi trường học đường.

Theo phu nu net