27,5% gia đình việt có xung đột
Thứ Ba, Tháng Sáu 30th, 2015
Để tránh định kiến, nhiều người đã cố duy trì cái “vỏ” của gia đình trong khi những giá trị cốt lõi như tình yêu thương và sự tôn trọng không được quan tâm đúng mức hoặc thậm chí không còn tồn tại, và từ đây nhiều thách thức xuất hiện.
27,5% gia đình việt có xung đột
Theo khảo sát trên 1.500 người của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và Môi trường (iSEE) tiến hành trong tháng 5 và tháng 6/2015, gia đình Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề như xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình (27,5%), ngoại tình (16%), nợ quá khả năng chi trả (9,9%) và các vấn đề khác. Đặc biệt, tình trạng ngoại tình được phụ nữ cảm nhận nghiêm trọng hơn nam giới. Cứ 10 chị em thì có hai người cảm thấy đây là vấn đề trong gia đình mình, trong khi con số này ở nam giới chỉ khoảng 1/10.
Hình ảnh trong một câu chuyện gia đình được chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ nữ có cảm nhận “không bình yên” và “không thỏa mãn” trong gia đình nhiều hơn nam giới. Những khía cạnh thường khiến chị em thấy ấm ức là chia sẻ tình cảm, hành động quan tâm chăm sóc, sự chung thủy của bạn đời, phân chia việc nhà. Bạo lực gia đình cũng là vấn đề đối với không ít phụ nữ được hỏi (khoảng 6%).
Thạc sĩ Phạm Thanh Trà, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho hay, kết quả khảo sát cũng cho thấy, hiện nay khuôn mẫu “đàn ông là trụ cột gia đình” hay “cha là nóc nhà” vẫn phổ biến, một mặt dẫn đến định kiến với các gia đình đơn thân cũng như áp lực đối với nam giới. Phái nam đang chịu nhiều áp lực hơn nữ về việc kiếm tiền nuôi gia đình. Khi được hỏi, hơn một nửa số nam giới khẳng định mình bị gánh nặng về đảm bảo ngân sách cho gia đình và số khác thì mệt mỏi vì phải cân bằng giữa công việc với gia đình hay quan hệ với họ hàng.
Tuy vậy, theo thạc sĩ Phạm Thanh Trà, trong khi những quan điểm truyền thống như gia đình phải có bố mẹ và con vẫn chiếm ưu thế thì đã bắt đầu xuất hiện một số quan điểm mới tích cực như coi trọng tình yêu thương, tự do cá nhân, sự riêng tư, trung thực.
“Chúng tôi không muốn đưa ra khuyến cáo hay nhận định gì về tình trạng gia đình Việt Nam hiện nay mà chỉ muốn đặt câu hỏi “Làm sao lan tỏa những giá trị cốt lõi tình yêu thương, tự do cá nhân, sự bình đẳng’ để giúp xóa bỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới”, bà Thanh Trà nói.
Nhiều người chỉ duy trì cái “vỏ” của gia đình
Theo TS. Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa) cho rằng diễn ngôn về gia đình từ góc nhìn chính sách, nghiên cứu và truyền thông đang nhấn mạnh vào sự ổn định, toàn vẹn của gia đình với đầy đủ cha mẹ, con cái. Chính trong giá trị truyền thống về sự toàn vẹn gia đình, xuất hiện những quan niệm mang tính định kiến về các gia đình thuộc các loại hình khác, như gia đình đơn thân, gia đình ly hôn, gia đình không con, gia đình cùng giới… Để tránh những định kiến này, nhiều người đã duy trì cái “vỏ” của gia đình trong khi những giá trị cốt lõi như tình yêu thương và sự tôn trọng không được quan tâm tam su đúng mức hoặc thậm chí không còn tồn tại, và từ đây nhiều thách thức của gia đình Việt Nam xuất hiện.
“Mặc dù diễn ngôn về gia đình thường nhắc đến các mục tiêu như ‘hạnh phúc’, ‘tiến bộ’ và ‘thực sự là tổ ấm’, nhưng các mục tiêu này thực sự khá trừu tượng. Dường như chúng ta đang quan tâm đến hình thức theo khuôn mẫu của gia đình nhiều hơn là cốt lõi thực sự làm nên hạnh phúc gia đình”, TS. Phạm Quỳnh Phương chia sẻ.
Nhiều giá trị vẫn bất biến
“Rõ ràng trong xã hội hiện nay thì ly hôn và ly thân đang là vấn đề nổi cộm của gia đình Việt Nam chúng ta và điều này chính là do lối sống, các thể hiện mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nhìn nhận, ứng xử với nhau họ không còn có sự đầm ấm, họ không còn có sự chia sẻ, gần gũi với nhau nữa.
Đặc biệt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một số giá trị bị mai một và một số người cho rằng chúng bị đổ vỡ. Tôi không tán thành mà tôi cho rằng một số giá trị ấy nó phai mờ. Sở dĩ như vậy bởi trong nhịp sống hôm nay cơ hội để các gia đình có việc làm, tăng thu nhập ngày càng nhiều, vì thế thời gian dành cho nhau giữa các thành viên ngày càng trở nên eo hẹp, người lớn ít có thời gian dành cho trẻ con, đây là điều đáng tiếc”, ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết.
- Xem thêm: những câu nói hay về cuộc sống
Ông Vân cho rằng, “Người ta lấy nhau là vì tình và sống với nhau là vì nghĩa”. Nếu như trong gia đình truyền thống, mục đích đầu tiên của hôn nhân là chức năng sinh con (để có sức lao động, nương tựa khi về già…), thì trong tương lai chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm lý tình cảm sẽ nổi trội lên. Cùng với đó, sự tôn trọng và bình đẳng vợ chồng, sự hòa hợp về tình dục cũng trở thành yếu tố quan trọng trong đời sống gia đình”.
“Ngoài vấn đề xung đột gia đình, ly hôn, ly thân thì sự tử tế vẫn đang rời xa ở mỗi gia đình Việt. Tuy nhiên, giữa những tác động nhiều chiều của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, tình yêu thương và sự chia sẻ, kính trọng, thủy chung… vẫn là những giá trị cốt lõi và bất biến nhất của gia đình Việt Nam mà chúng ta sẽ hướng tới và phấn đấu dù đó là gia đình truyền thống hay phi truyền thống”, ông Vân khẳng định.
Ông Vân cũng cho biết thêm, “Trong quý 4/2015, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ ban hành đề án quốc gia giáo dục đời sống gia đình. Trong đó điểm nhấn là tập trung xây dựng đạo đức làm người như: tôn trọng, yêu thương, trung thực… lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình”.